9 min read

Ứng dụng Tư duy hệ thống trong Xây dựng tổ chức học tập - Phần 1

Ứng dụng Tư duy hệ thống trong Xây dựng tổ chức học tập - Phần 1

Học tập là một trong những hoạt động rất quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Dù ở bộ phận hay bất cứ vị trí nào trong doanh nghiệp, đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ nhân sự cần học tập không ngừng nghỉ thông qua công việc, chuyên môn, các chương trình học tập.

Nhiều doanh nghiệp nhận thức rất rõ về vấn đề này, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng hiểu đúng và xây dựng doanh nghiệp, tổ chức học tập tốt. Thông qua bài viết này, True Success hy vọng có thể giúp các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp trang bị tư duy hệ thống trong xây dựng tổ chức học tập.

Hiểu về doanh nghiệp học tập

Trong webinar cùng chủ đề này, chuyên gia Harry Trịnh - chuyên gia huấn luyện và phát triển con người đã chia sẻ khái niệm về tổ chức học tập được định nghĩa bởi các chuyên gia trên thế giới như sau:

  • Tổ chức học tập là một tổ chức mà các thành viên của nó không ngừng học hỏi từ mọi thứ họ làm. Kiến thức mới liên tục được tiếp thu, chia sẻ và áp dụng giữa các thành viên tổ chức trong quá trình ra quyết định và làm việc.
  • Mọi thành viên tích cực xác định và giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc để có thể hoàn thành các mục tiêu của cá nhân và tổ chức. Trong tổ chức học tập, mọi thành viên có thể tạo ra kết quả mà họ thực sự mong muốn thông qua việc tăng cường sáng tạo cá nhân, đánh giá cao những cách suy nghĩ mới, nỗ lực hợp tác và phát triển tầm nhìn chung.

Ý tưởng về tổ chức học tập trở nên phổ biến chủ yếu nhờ vào cuốn sách "Nguyên lí thứ 5" của Peter Senge, được xuất bản lần đầu tiên và năm 1990. Một điều đặc biệt trong nội dung của cuốn sách, Peter Senge đã dành đến 1/3 cuốn sách để đề cập về tư duy hệ thống trước khi nói về xây dựng tổ chức học tập. Điều đó cho thấy rằng, tư duy hệ thống chính là sự trang bị cần thiết cho các nhà lãnh đạo, đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp khi xây dựng một doanh nghiệp học tập.

5 đặc điểm của tổ chức học tập theo Peter Senge

Làm chủ bản thân (Personal Mastery)

Mỗi người lao động phải có mục tiêu phát triển nghề nghiệp cá nhân và tập trung nỗ lực để đạt được chúng và tổ chức phải nhận ra và nuôi dưỡng những mục tiêu này.

Điều này nhấn mạnh rằng, chính nhân sự có khả năng khám phá chính mình, lấy việc học tập để khai sáng, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của họ. Giúp họ khai thác các tiềm năng của mình, sử dụng các năng lực để thúc đẩy sự phát triển trong công việc mình.

Việc học của mỗi cá nhân không đơn thuần là thích học gì cũng được, việc học cần có chủ đích hoặc được dẫn dắt bởi đội ngũ lãnh đạo cấp trên.

Mô hình tư duy

Đề cập đến sự khái quát hóa và giả định mà chúng ta sử dụng để hiểu về và phản ứng về thế giới. Trong bối cảnh của tổ chức học tập, mô hình tư duy có nghĩa là văn hóa của tổ chức biết quan tâm và tôn trọng những rắc rối và lý thuyết cung cấp khuôn khổ cho cách thức hoạt động của tổ chức hiệu quả.

Hiểu đơn giản, mô hình tư duy là cách chúng ta tiếp cận vấn đề, thu thập thông tin, đánh giá, phân tích, phản biện, đưa ra kết luận, quyết định hay sự lựa chọn.

Một điều quan trọng khác mà Perter Senge nhấn mạnh về mô hình tư duy. Đó là, điều này cần đào tạo, giáo dục, phổ biến chung cho toàn bộ tổ chức, tránh việc xảy ra mâu thuẫn quá căng thẳng hay xung khắc.

Tìm hiểu thêm: Mô hình phát triển lãnh đạo toàn diện

Xây dựng tầm nhìn chung (Share Vision)

Tổ chức và các thành viên của nó có tầm nhìn chung, nghĩa là, tổ chức có chủ ý pha trộn khát vọng cá nhân với mục tiêu của công ty.

Điều này khẳng định rằng, tầm nhìn chung của doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở ban lãnh đạo cấp cao, những người thành lập doanh nghiệp mà cần thấm nhuần tầm nhìn này với đội ngũ lãnh đạo cấp trung, đội ngũ nhân sự hay toàn bộ thành viên, nhân viên của doanh nghiệp.

Từ đó, mọi thành viên trong đội ngũ lãnh đạo, nhân sự của doanh nghiệp cùng nhau lĩnh hội, học tập, phấn đấu, chịu trách nhiệm và hướng đến mục đích chung và vì sự phát triển của doanh nghiệp mình.

Học tập nhóm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, đối thoại và ra quyết định và các nhóm làm việc đều có ý thức chia sẻ trách nhiệm giải trình.

Peter Senge tin rằng, nếu việc học tập nhóm, thảo luận nhóm diễn ra thì đó là cách thức tuyệt vời nhất để có góc nhìn đa chiều, hiểu sâu sắc, truyền cảm hứng cho nhau, lấy việc học tập để giải quyết vấn đề chung.

Tư duy hệ thống

Tích hợp 4 điều trên, thừa nhận rằng các tổ chức là các hệ thống phức tạp được tạo ra từ các mối quan hệ tương tác. Điều đó có nghĩa là marketing phụ thuộc vào tài chính, tài chính phụ thuộc vào công nghệ thông tin, công nghệ thông tin phụ thuộc vào nghiên cứu và phát triển.

Đọc thêm sách: 52 câu hỏi cốt lõi về tư duy hệ thống

Phân biệt Học tập trong tổ chức và Tổ chức học tập

7 lợi ích của tổ chức học tập

Tư duy, động lực, năng lực

Khi xây dựng tổ chức học tập, doanh nghiệp không chỉ đào tạo về năng lực, ở đó bao gồm tư duy và giải quyết vấn đề động lực: quyết tâm, dám nghĩ lớn, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, lãnh đạo, dám thử sai,...

Đào tạo năng lực cần đáp ứng cho việc phục vụ cho doanh nghiệp hiện tại và đáp ứng việc chuẩn bị cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai gần.

Văn hóa doanh nghiệp

Thông qua xây dựng tổ chức học tập là xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tầng sâu nhất của văn hóa doanh nghiệp chính là mô hình tư duy, hệ thống niềm tin, bản sắc của doanh nghiệp đã ngấm sâu vào các thế hệ lãnh đạo và nhân viên.

Văn hóa doanh nghiệp khó có thể xây dựng được trong ngắn hạn. Đó là một quá trình, hành trình dài hạn từ ban lãnh đạo đến đội ngũ nhân sự. Xây dựng tổ chức học tập là yếu tố thúc đẩy sự phát triển văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng ấy, văn hóa doanh nghiệp tự sinh ra, sự tự nguyện thực hành văn hóa doanh nghiệp từ mỗi cá nhân, không dựa trên sự cưỡng bức đến từ những quy định, nội quy doanh nghiệp.

Tầm nhìn chung

Thiết lập tầm nhìn chung để mỗi thành viên trong doanh nghiệp hướng đến sự phát triển chung. Nếu không có tầm nhìn chung, mỗi cá nhân chỉ biết đến mục tiêu, công việc của cá nhân mình, các bộ phận phòng ban sẽ thiếu kết nối và rời rạc.

Với vai trò định hướng chiến lược, tạo động lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, có tầm nhìn chung để xây dựng tổ chức học tập đúng đích và mang lại hiệu quả sâu sắc.

Liên kết

Học tập tạo sự liên kết giữa các đội ngũ trong doanh nghiệp. Lúc này, các rào cản trong cấp bậc, phòng ban có thể bị phá vỡ. Một môi trường an toàn, chia sẻ, thấu hiểu, lắng nghe,... sẽ được hình thành.

Ổn định và phát triển bền vững

Tư duy hệ thống và tổ chức học tập hướng đến sự ổn định. Dù tăng trưởng hay đột phá, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tính ổn định đầu tiên. Không nên làm mất thăng bằng doanh nghiệp khi chỉ tập trung quá vào một yếu tố. Và trong tư duy hệ thống, doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững.

Thay đổi, thích ứng, sáng tạo

Khi xây dựng tổ chức học tập, doanh nghiệp, đội ngũ sẽ được trang bị rất nhiều kiến thức. Từ đó, sáng tạo được sinh ra, đứng trước sự thay đổi liên tục của thị trường, thời đại. Doanh nghiệp cũng vì thế mà có những sự đổi thay phù hợp để thích ứng và tạo sự đột phá thông qua sáng tạo.

Lợi thế cạnh tranh

Xây dựng tổ chức học tập giúp doanh nghiệp phát triển khả năng thích ứng nhanh chóng với thay đổi và sáng tạo liên tục, từ đó tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, vì nhân viên luôn được trang bị kiến thức và kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lời kết

Ứng dụng tư duy hệ thống trong xây dựng tổ chức học tập giúp tạo ra môi trường hợp tác và kết nối, nơi mọi thành viên đều có thể chia sẻ kiến thức và cải tiến quy trình. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả học tập mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức trong bối cảnh biến đổi không ngừng.